Mùa vàng Tây Bắc 2016-TDF – Ngày thứ 3



 Ái ngại cung trưởng phải lọ mọ nấu xôi, anh em quyết định sẽ đặt xôi mang đến khách sạn. 5h15 mỗi người một hộp xôi, một cốc nhựa trong đó một quả trứng kho và một miếng thịt kho tầu to tướng. Khá nhừ và ngon, load kĩ nào. Hôm nay có hơn 100km nhưng leo khủng khiếp đây. Quên chưa kể là hôm qua lúc lưu hành trình trên garmin thì có thông báo là Kỉ lục leo trong một ngày.
Tân Uyên 5h30 mới tờ mờ. Anh em dàn hàng ngang ra đường chụp ảnh xuất phát. Đầy đủ chín độp thủ và một Nhiếp ảnh gia kiêm séc-vít. Mọi người khá thong dong trong 20 cây đầu vì ai cũng ý thức được những gì đang chờ phía trước. Đến ngã ba Quốc lộ Bốn thì cả đoàn dừng lại chuẩn bị tinh thần và vật chất cho con đèo đường bộ cao nhất Việt Nam. Mình cũng trấn an bằng một quả chuối và một bịch sữa đậu nành. Nước còn chưa uống ngụm nào.
Bắt đầu cuộc chinh phục đèo Ô Quý Hồ. Cũng như những con đèo Quốc lộ khác khởi đầu khá bằng phẳng. Thậm chí có lúc hơi xuống dốc. Nhưng đó chỉ là bắt đầu của ảo giác dối lừa. Đường nhìn rõ ràng chẳng dốc mấy, nếu không nói là không dốc. Mình tự nhủ nặng chân là do gió ngược. Mà quả thật gió ngược, gió rất to. Kiểu gì mà lại gió thổi từ trong núi ra. Gió thổi ào ào bên tai cộng với tiếng suối chảy rào rào bên đường. Gió thổi như dựng ngược xe lại. Ai đời leo dốc mà phải cầm drop cho đỡ gió. Nhưng tự động viên là đường không quá dốc nên chỗ nào gió và dốc quá lại đứng lên dance. Đến chừng cây số sáu thì vượt được Hải Dương và bắt được Cá Ngựa. Hắn tranh thủ núp ngay. Cứ đoạn nào núi chắn thì đỡ không thì gió lại thổi bạt xe. Cá khỏe thật, mình dance hắn dance, phải đến 5-6 cây số thì mới bắt được Pokemon Hải Phùng. Mình và ông HP thắc mắc cái thằng đi xe thép(Đức Anh) có đi xe ôm không mà tít mất dạng phía trước. Dốc mỗi lúc một gắt hơn, gió thì vẫn tệ. Một lúc sau đành nhìn ông HP khuất ở khúc cua phía trước. Đường đèo vẫn quanh co uốn khúc lên đều không có đoạn đường bằng. Có điều lên cao trời dần mát hơn. Ngồi yên dần chối, phải đứng lên thường xuyên. Còn hai ông phía trước chưa bắt được, segment này không chén được rồi. Có lẽ mệt mỏi tích lũy hai ngày đã không cho phép mình muốn làm gì thì làm. Thôi đành AQ: đây là con đèo dài nhất mình từng leo chứ có phải thường đâu. Trời bắt đầu quá mù ra mưa lất phất, chắc là sắp tới đỉnh. Một đám mái tôn… vẫn chưa phải đỉnh. Một đám mái tôn nữa… 

Ơn Giời, cậu đây rồi. Hai ông Đức Anh, Hải Phùng đã nhăn nhở chụp ảnh. Nào thì pose. Chụp vài kiểu ảnh, đi tè phát xong thì mới thấy lạnh quá. Ngó đồng hồ thấy 11 độ. Ho luôn mấy phát. Vào ô tô lôi áo mưa ra mặc rồi tiếp tục đi tìm landmark để chụp choẹt. Nhưng rồi mấy anh em nhanh chóng chui vào lều tôn ngồi quanh bếp than ăn trứng, thịt nướng. Anh em dần lên đủ, chén mãi mà không thấy ông Hải Dương đâu. Hay mệt quá lại lăn ra đâu ngủ rồi. Cuối cùng hắn cũng đến nơi. Càng ngồi lâu càng lạnh, nghĩ giờ đổ dốc không phải đạp lại càng thêm rét run. Nào thì áo dài tay leo Fan, áo mưa, thậm chí mình còn chơi cả quả quần dài North Face. Trời mù mịt nên phải lắp cả đèn trước đèn sau. Ấy vậy mà đổ dốc được chừng 3km, đến chỗ rẽ đi Mường Hum thì phải dừng lại, cởi hết đồ lạnh, tháo cả đèn cho nhẹ.
Đường lúc này chắc là huyện lộ hay tỉnh lộ, khá nhỏ và hơi xóc. Đường vắng hoe hoắt, cheo leo, chon von. Thỉnh thoảng mới thấy học sinh đi học nói tiến H’Mong như tiếng nước ngoài. Đoạn này lúc leo lúc đổ nhưng đường mỗi lúc một xấu hơn. Không như ở Mù Căng Chải, lúa ở đây phần lớn đã gặt nên ruộng bậc thang kém ấn tượng hơn. Chỉ có dãy Hoàng Liên Sơn bên phải thì vẫn đồ sộ, sừng sững với những thác nước như sợi chỉ bạc bên sườn. Lúc này chắc đã thấm mệt nên chắc chín ông chín tốp, chẳng ai đi cùng ai. May đến Tả Giàng Phong, Sa pa thì có một đám ruộng lúa chín còn chưa gặt. Cả hội dừng lại đến nửa tiếng, chụp choẹt các kiểu. Sau đó lại tiếp tục kẽo kẹt đến chỗ ăn trưa. Đi dọc đường mình cứ băn khoăn đường đất này kiếm đâu ra chỗ ăn trưa. Chỗ này thực sự hẻo lánh, lợn, chó, trâu bò đầy đường. Đường thì càng lúc càng dốc, nhiều chỗ phải đến 13-15%, quanh co, miên man.

Cuối cùng đã đến chỗ đông người, chắc là thị trấn Mường Hum. Đường bé tẹo như con hẻm. Trong lúc chờ mọi người, mình mua chục bắp ngô luộc. Và trước bữa ăn đã kịp xử lí 2 bắp. Trái với hình dung của mình, bữa trưa, như mọi khi, rất ngon miệng. Cả nhóm ăn ở một hàng cơm trong chợ, ngay sát bờ suối. Ăn xong mỗi ông mượn một mặt bàn(chắc 80x120) ngả xuống đất, co quắp chợp mắt chừng 15-120 phút.
Chặng cuối của cuộc hành trình là gần 30km dốc liên tục. Nói thật là lúc này ai cũng mệt, chẳng mấy quan tâm xung quanh quang cảnh ra sao. Mọi sự chú ý được dồn vào từng guồng nhấn hay điều khiển tay lái tránh ổ gà. Đoạn cuối, còn đường chạy xuyên qua cánh rừng, mới đầu là rừng trúc sau rồi rừng già. Dốc, dốc mãi, trước sau chả nhìn thấy ai. Một vài bác vượt lên, rồi mình lại vượt lên. Nghe đâu vài km cuối sẽ đổ dốc. Nhìn cột cây số: 46… 47… 48… 48-1….48-2… hình như đến km 49 thì hết dốc. Ơn trời. Đã xong.

Nhưng chưa phải hết, đổ dốc đường cũng xấu tệ luôn. Thôi cũng gỡ được tí lúc trời còn sáng, chọn được chỗ cao chụp được tí mây Y tý.

Đến chân dốc thì đã thấy bác Hùng, bác Hải Phùng. Đúng là gừng càng già càng cay. Các đại ca chén tuốt đội trẻ. Anh em lần lượt tháo xe chất lên ô tô chuẩn bị về xuôi. Một chiếc Sorento của Lãi chở chín chiếc xe đạp và sáu ông về HN ngay trong đêm. Mình và bốn anh nữa đi xe của anh Tuấn mới lên đi về Sapa để mai leo Fan. Đáng lẽ đi ngược Mường Hum về Sapa thì gần nhưng báo hại là xe đã cạn xăng. Trời tối mà hết xăng ở cung đó thì chỉ có khóc nên đành mua đường về qua Bát Xát, Lào Cai. Xe đổ dốc mãi mãi mới về đến A Mú Sung, đường mới rộng và đẹp hơn. Thấy bảo đang chạy dọc sông Hồng và bên kia là Trung Quốc nhưng trời tối mình chả nhìn thấy gì. Cả xe chẳng ai thấy đói chỉ lo tìm cây xăng. Rồi thì nghe theo anh Gúc-gồ bảo có đường đi tắt ko qua Lào Cai làm anh em suýt ôm hận giữa đồng khuya heo hút. Về đến Sapa đã 10h30, cả nhóm đi ăn luôn rồi mới về nhận phòng khách sạn. Tắm tạp xong thì đã hơn 12h đêm. Chao ôi, giường khách sạn chưa bao giờ êm ái đến thế.


Comments

Popular posts from this blog

Hết pin - Hit the wall - Bonk

Tapering - Giảm dần mức độ luyện tập trước Marathon

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu chạy bộ